Những dự án "treo" giữa thành Vinh: Dân kêu, chính quyền phường than khó
VHO- Dự án đã được duyệt nhưng không triển khai theo đúng cam kết, hàng trăm hộ dân nằm trong diện quy hoạch rơi vào tình cảnh không có đất sản xuất, xây dựng nhà cửa, phải sống trong những căn nhà xuống cấp khiến cuộc sống của họ vất vả trăm bề.
Người dân sống tạm bợ giữa trung tâm thành phố
Hàng trăm người dân sống dưới chân núi Quyết thuộc phường Trung Đô, (TP Vinh, Nghệ An) nằm trong vùng quy hoạch Dự án Khu du lịch lâm viên núi Quyết đang bức xúc vì không thể xây dựng, cải tạo, xây dựng nhà cửa và phải sống trong những căn nhà cũ, xuống cấp. Ông Nguyễn Văn T cho biết: “Sau một thời gian dài dự án vẫn chưa triển khai gây ảnh hưởng đến đời sống người dân. Nhà tôi bây giờ nằm trong tình cảnh “đi không được, ở không xong”. Nhà đã cũ, gia đình nhiều thế hệ ở rất chật chội nhưng nằm trong dự án quy hoạch vì thế muốn xây, sửa cũng không được”.
Được biết, dự án Khu du lịch Lâm viên núi Quyết thuộc phường Trung Đô có diện tích 147,70 ha gồm các hạng mục như khu đón tiếp, tiểu công viên di tích chiến tranh; khu dịch vụ giải trí; khu sinh thái cảnh quan thiên nhiên; khu công viên văn hóa lịch sử; khu quy hoạch công trình Phật giáo; khôi phục di tích Hoàng thành Phượng Hoàng Trung Đô... Tổng mức đầu tư dự kiến 600 tỉ đồng với 100% vốn của nhà đầu tư. Sau nhiều lần điều chỉnh đến năm 2008, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Khu du lịch Lâm viên núi Quyết. Theo quy hoạch được phê duyệt lúc đó, để thực hiện dự án cần phải di dời 7 cơ quan, 5 khu tập thể và 300 hộ dân. Thời gian thực hiện quy hoạch là đến năm 2020. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn đang “dẫm chân tại chỗ”.
Người dân phường Trung Đô, dưới chân núi Quyết sống trong những ngôi nhà lụp xụp không dám cải tạo
Ông Trần Quảng Đại, Chủ tịch UBND phường Trung Đô cho biết, “người dân bị vướng quy hoạch “treo” nên rất khó khăn, ví như việc tách bìa đỏ khi con cái ra ở riêng cũng không thể thực hiện được, chuyển nhượng cũng rất khó. Dự án này đã gây khó cho chính quyền địa phương về công tác quản lý”. Cũng trong tình cảnh như trên, hàng chục hộ dân ở khối Yên Phượng (phường Vinh Tân) đã bị cấm xây dựng, cơi nới, sửa chữa nhà cửa để chính quyền TP Vinh thực hiện dự án đường Lê Mao kéo dài theo phương án được phê duyệt từ năm 2005. Tuy nhiên, người dân nơi đây vẫn phải sống trong khó khăn, chật hẹp bởi nhà cửa xuống cấp, mưa là ngập lụt. Trong căn nhà cấp 4 đã cũ nát, bà Lê thị H (ở khối Yên Phượng, P.Vinh Tân) cho biết, gia đình không dám xây dựng, cơi nới gì vì nghĩ sẽ được di dời. Căn nhà đã xuống cấp, dột nát, gia đình phải mua bạt chăng trên mái ngói để chống dột. Tương tự như nhà bà H, gia đình ông Võ Đình V có 4 người con đã có gia đình, đất của ông rộng hơn 1 nghìn m2 nhưng không thể chia cho các con.
“Chính quyền đã thực hiện 3 lần kiểm đếm tài sản để bồi thường nhưng chúng tôi vẫn chưa được bồi thường để đi. Chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn đến nhiều cấp, nhưng vẫn chưa có câu trả lời là bao giờ thì được đi”. Ông Nguyễn Hoàng Mạnh, Chủ tịch UBND phường Vinh Tân cho biết, đoạn đường Lê Mao kéo dài có chiều dài 384m, có 29 hộ dân phải di dời, diện tích cần giải phóng mặt bằng là hơn 18.000m2. Năm 2010, UBND TP Vinh dự kiến bố trí khu tái định cư nhưng người dân thấy không phù hợp nên không đồng ý. Sau đó, do chưa tìm được nơi tái định cư khác nên dự án bị dừng lại. Trong buổi đối thoại với người dân mới đây, người dân đã đồng ý vị trí tái định cư ở phường Vinh Tân, gần khu ở cũ của họ. Lãnh đạo TP Vinh đã chỉ đạo các phòng chức năng sớm lập dự án, làm hạ tầng để người dân di dời. Tuy nhiên, thời gian để hàng chục hộ dân ở khu vực này được di dời vẫn chưa được xác định.
Việc để dự án “treo” năm này qua năm khác khiến người dân và chính quyền bức xúc, và dư luận đặt câu hỏi là đến khi nào người dân mới ổn định cuộc sống hay vẫn là “hồi sau sẽ rõ”?
PHẠM TƯỚC